Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tôn vinh và tri ân, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với cống hiến của những người có công với cách mạng. Ảnh Hữu Nguyên
TCCS - Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tôn vinh và tri ân, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với cống hiến của những người có công với cách mạng. Hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng ngày càng được hoàn thiện về diện đối tượng và chế độ ưu đãi, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, tham gia tích cực vào việc “đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho người có công, tạo sự đồng thuận cao, góp phần bảo đảm công bằng xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để người có công và gia đình xây dựng và cải thiện cuộc sống, tiếp tục khẳng định và phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, dòng họ.
Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang làm rất nhiều việc để cuộc sống của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và những người có công với cách mạng ngày càng được cải thiện, nâng cao hơn. Các chế độ ưu đãi đối với từng diện đối tượng người có công với cách mạng được quy định đầy đủ, bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống xã hội. Trong đó, trợ cấp ưu đãi được quy định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Hằng năm, ngân sách nhà nước dành hàng chục nghìn tỷ đồng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; Chủ tịch nước cũng đã dành hàng trăm tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7.
Bằng những việc làm thiết thực, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tầng lớp nhân dân trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng, ngành lao động - thương binh và xã hội đã đẩy nhanh tiến độ xem xét, xác nhận người có công với cách mạng, nhất là giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nhằm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách. Đặc biệt, ngành đã tập trung giải quyết hồ sơ còn tồn đọng theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng ở các ngành, cấp huyện, cấp xã và trong nhân dân, đến nay gần 6.000 hồ sơ (liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) tồn đọng ở cấp tỉnh trên cả nước được xem xét, giải quyết, đã xác nhận được gần 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; những hồ sơ cần bổ sung, hoàn thiện tiếp tục được xem xét giải quyết; những hồ sơ không đủ điều kiện đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý đối với đối tượng và thân nhân.
Cùng với việc xem xét công nhận người có công với cách mạng, chế độ trợ cấp ưu đãi và nhiều chế độ hỗ trợ khác đối với người và gia đình người có công với cách mạng cũng được triển khai thực hiện đồng bộ, như chính sách bảo hiểm y tế; hỗ trợ về nhà ở; ưu đãi trong giáo dục - đào tạo, việc làm; chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình; vay vốn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương, bệnh binh và người có công với cách mạng... Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở sự nghiệp nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp và được các cơ sở giáo dục tại địa phương chăm sóc; công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cũng được triển khai đồng bộ và có hiệu quả.
Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”, tặng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng... được triển khai sâu rộng ở tất cả các địa phương nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người và gia đình người có công với cách mạng; đào tạo, bồi dưỡng thế hệ con em người có công với cách mạng phát huy truyền thống, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ ra mắt Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Đây là trang cơ sở dữ liệu giúp cơ quan chức năng quản lý về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, tạo điều kiện để nhân dân và thân nhân liệt sĩ có thể tra cứu, trao đổi thông tin về liệt sĩ; thăm viếng mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ thông qua hình ảnh; đồng thời, mang ý nghĩa thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc tri ân các anh hùng liệt sĩ và chăm lo đời sống tinh thần của thân nhân liệt sĩ.
Bên cạnh kết quả nêu trên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập trong việc xây dựng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, như hệ thống văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, nhiều nội dung chưa có hướng dẫn cụ thể; các chính sách ưu đãi chưa được ban hành đồng bộ; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có lúc, có việc còn chưa chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa bao phủ kịp thời, vẫn còn tình trạng giả mạo hồ sơ, trục lợi chính sách... Ngành lao động - thương binh và xã hội nói riêng và cả hệ thống chính trị, toàn xã hội nói chung đã nhận thấy và xác định cần nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để giải quyết, khắc phục trong thời gian tới.
Để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, 100% các gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, đòi hỏi:
Một là, phải tăng cường hơn nữa vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác đối với người có công.
Hai là, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng.
Ba là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác này.
Bốn là, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng.
Trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, trong đó sửa đổi căn bản, toàn diện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19-7-2017, của Ban Bí thư, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng theo hướng:
Thứ nhất, bảo đảm công khai, minh bạch trong công nhận và tôn vinh người có công với cách mạng, với đất nước. Chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người có công trong thời chiến và thời bình để bảo đảm xác định đúng đối tượng, không để sót đối tượng và khắc phục tình trạng lọt đối tượng, lợi dụng chính sách ưu đãi người có công để trục lợi.
Thứ hai, bảo đảm nguyên tắc cống hiến và công bằng trong thực hiện chế độ ưu đãi người có công. Rà soát, tính toán và cân đối các mức trợ cấp, phụ cấp để bảo đảm tương quan với mức độ đóng góp, hy sinh của từng nhóm đối tượng; đồng thời, bổ sung các chế độ, chính sách còn chưa được ghi nhận trong Pháp lệnh hiện hành.
Thứ ba, kế thừa và nâng tầm hiệu lực pháp lý các quy định của pháp luật ưu đãi người có công hiện hành vẫn còn phù hợp.
Thứ tư, việc giải quyết hồ sơ xác định đối tượng người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng giai đoạn lịch sử cách mạng, từng thời kỳ kháng chiến, từng vùng, miền trong kháng chiến. Xác định quy trình, thủ tục khả thi công nhận đối tượng người có công thời chiến khi không còn giấy tờ gốc.
Thứ năm, kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác chăm sóc người có công. Ðẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng./.
Lê Tấn DũngThứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội